Cơ hội cho cà phê hòa tan và cà phê rang xay xuất khẩu
Từ trước đến nay, tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới (sau Brazil) nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ ở mức cao, do sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, là loại cà phê chưa qua chế biến. Các loại khác bao gồm cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu giữ mức thấp, khi tổng tỷ trọng 2 loại này chỉ ở mức trên dưới 5%.
Niên vụ vừa qua cũng không phải là ngoại lệ khi mà sản lượng cà phê nhân chiếm tới hơn 92%. Còn lại, sản lượng cà phê hòa tan đạt khoảng 6% và cà phê rang xay xuất khẩu chỉ đạt khoảng 2%.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu ngày càng tăng lên do Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến xuất khẩu loại cà phê chế biến.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam đã xuất khẩu tới 1,28 triệu bao cà phê hòa tan, tăng 382 nghìn bao, tương ứng tăng 42,4% so với niên vụ trước.
Đồng thời sản lượng xuất khẩu cà phê rang xay cũng có sự thay đổi lớn trong niên vụ 2014 – 2015, sản lượng tăng mạnh từ 120 nghìn bao lên 475 nghìn bao, tương ứng mức tăng 280,8% so với niên vụ 2013 - 2014.
Xuất khẩu cà phê theo loại sản phẩm (nghìn bao) niên vụ 2014 – 2015
Niên vụ 2015 – 2016 được dự đoán tiếp tục là khoảng thời gian cà phê chế biến xuất khẩu được chú trọng nhiều hơn. Theo các chuyên gia dự đoán, sản lượng cà phê hòa tan sẽ đạt 1,5 triệu bao bao và sản lượng cà phê rang xay xuất khẩu sẽ đạt 550 nghìn bao trong niên vụ tới đây.
Những tín hiệu về giảm xuất khẩu cà phê đã được ghi nhận từ những năm 2013. Ngày 14/8/2013, hãng tin nổi tiếng Reuters đã từng đưa tin về ngành cà phê Việt Nam rằng "đang trong cơn khủng hoảng, gặp khó khăn do trốn thuế, quản lý yếu kém, thiếu khả năng thanh toán, lãi suất ngân hàng cao và tín dụng bị thắt chặt".
“Do thiếu vốn, các doanh nghiệp cà phê không thể hoạt động bình thường, nhiều doanh nghiệp cà phê đang bị kẹt với các khoản nợ lớn nên ngân hàng chẳng muốn cho họ vay thêm”, hãng này cũng cho biết thêm.
Nguồn tin: Cafebiz/Trí Thức Trẻ